Thạc sĩ

Trường Đại học Bách Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ từ năm 1990 với 17 chuyên ngành. Sau 19 năm, số chuyên ngành đào tạo thạc sĩ của Trường đã tăng đến 41 chuyên ngành và đào tạo thành công 2927 thạc sĩ.

  Quy mô đào tạo năm học 2008-2009 là 2.268 học viên cao học ở 41 chuyên ngành đào tạo (chỉ tính riêng với các chương trình đào tạo trong nước).Từ năm 2007, tất cả các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ chuyển đổi toàn phần chương trình đào tạo sang học chế tín chỉ với tổng số chuyên ngành bổ sung thêm phương thức đào tạo nghiên cứu lên 37/41 chuyên ngành.

 • Phương thức tuyển sinh – Admission
- Đạt yêu cầu kỳ thi tuyển sinh đầu vào được tổ chức hàng năm bởi Hội đồng tuyển sinh SĐH của Trường. Môn Tiếng Anh phải có điểm TOEFL ITP từ 400, iBT 32 hay IELTS từ 4,5 trở lên hoặc tương đương
- Thí sinh sẽ được xét chọn theo đúng chỉ tiêu của chuyên ngành đào tạo. Tổng chỉ tiêu đào tạo thạc sỹ hàng năm vào khoảng 1000 học viên.

 • Chương trình đào tạo – Graduate Curriculum
- Thời gian đào tạo từ 1,5 năm đến 2 năm (từ 36 – 50 tín chỉ - không kể môn Anh văn và Triết học) tùy theo chương trình đào tạo đã tốt nghiệp ở bậc đại học. Để hoàn thành chương trình thạc sỹ, học viên cần tích lũy đủ khối lượng tín chỉ yêu cầu theo phương thức đào tạo môn học hay theo phương thức đào tạo nghiên cứu; thực hiện và bảo vệ luận văn thạc sĩ trước hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ; đạt trình độ tiếng Anh TOEIC 550.
- Sau khi tốt nghiệp, thạc sĩ có kiến thức chuyên môn vững vàng, có năng lực thực hành và khả năng thích ứng cao trước sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và kinh tế; có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

 CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ MẠNG
Chất lượng dịch vụ mạng (QoS) ngày càng trở nên một thông số quan trọng trong việc phát triển các hệ thống mạng đa dịch vụ. Các phương pháp tiếp cận hiệu quả hỗ trợ QoS sẽ dẫn đến việc quảng lý các tài nguyên trong mạng IP một cách hiệu quả để cung cấp chất lượng, sự kiểm soát và độ an toàn cao hơn. Ngày nay, các kỹ thuật QoS cần được triển khai không chỉ ở các mạng cố định mà còn ở các hệ thống mạng vô tuyến nhằm hỗ trợ yêu cầu đa dịch vụ trong các môi trường mạng khác nhau. Môn học này cung cấp các kỹ thuật QoS và cách thức triển khai các mô hình QoS này trên các mạng IP khác nhau. Bên cạnh đó, lý thuyết hàng đợi cũng được đề cập cho sinh viên nhằm mô hình hóa các thông số QoS trong các hệ thống mạng. Một số chuyên đề nâng cao mô phỏng các thông số chất lượng dịch vụ mạng cũng được khảo sát nhằm kiểm tra lại các kiến thức đã học.

CHUYÊN ĐỀ XỬ LÝ ẢNH VÀ ÂM THANH NÂNG CAO
Môn học cung cấp một số các kiến thức cơ bản và nâng cao về các đề tài cập nhật trong lĩnh vực xử lý ảnh số và âm thanh: mã hóa và nén âm thanh, nhận dạng và tổng hợp âm thanh, phân tích ảnh, nâng cao chất lượng ảnh, siêu phân giải, nén ảnh, xử lý video đa góc nhìn.

KỸ THUẬT LOGIC NHANH
Phân tích và mô phỏng đặc tính của một kết nối đơn có hoặc không có tổn hao, đáp ứng trong miền tần số hoặc trong miền thời gian. Giới thiệu các hiệu ứng ghép công suất tín hiệu hoặc ghép ký sinh trên các bus thông tin tốc độ cao, được đặc trưng bằng các mô hình mạch điện tương đương cho chế độ ghép lỏng và ghép chặt. Tiểu luận môn học gồm các thuật toán mô phỏng dùng Matlab hoặc các phương pháp mô phỏng dùng phần mềm chuyên dụng phân tích mạch điện như SPICE, CIRCUITMAKER,…

LÝ THUYẾT THÔNG TIN
Môn học cung cấp các kiến thức về lý thuyết thông tin như entropy, lượng tin tương hỗ, tốc độ entropy của quá trình ngẫu nhiên, nén dữ liệu, dung lượng kênh truyền, kênh truyền Gaussian, lý thuyết sái dạng tốc độ.

MÃ HÓA KÊNH TRUYỀN
Môn học cung cấp các kiến thức về mã hóa, giải mã, phân tích hiệu năng và ứng dụng của nhiều mã kênh truyền từ cơ bản như mã khối tuyến tính, mã chập, mã Turbo, mã LDPC đến cấp tiến như mã lặp-tích lũy (RA), mã Raptor, mã Tornado, mã LT, mã Online, …

MẠCH TÍCH HỢP SIÊU CAO TẦN
Dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản về kỹ thuật siêu cao tần đã được trang bị ở bậc đại học, môn học này cung cấp các kiến thức chuyên sâu cho phân tích, thiết kế, chế tạo và đo đạc các mạch thụ động và tích cực cấu thành nên các hệ thống siêu cao tần. Các mạch siêu cao tần được trình bày trong môn học này bao gồm mạch chia/ghép công suất, mạch chia định hướng công suất, circulator, isolator, mạch lọc siêu cao tần, mạch khuếch đại nhiễu thấp, mạch khuếch đại công suất, mạch khuếch đại băng rộng, mạch dao động và mạch trộn tần. Môn học cũng trình bày về phân tích ảnh hưởng của nhiễu và méo phi tuyến lên chất lượng của hệ thống siêu cao tần, và từ đó cung cấp phương pháp thiết kế hệ thống máy thu và máy phát siêu cao tần. Các phần mềm mô phỏng mạch siêu cao tần như ADS, Cadence và SONET sẽ được giới thiệu giúp học viên nắm được các phương pháp mô phỏng các loại mạch siêu cao tần khác nhau. Các phương pháp đo thông số mạch siêu cao tần sử dụng các thiết bị đo như network analyzer, máy phân tích phổ, máy đo hệ số nhiễu sẽ được giới thiệu. Các kỹ năng sử dụng thiết bị đo siêu cao tần sẽ được cung cấp cho học viên thông qua các bài tập và thực hành.

MẠNG CẢM BIẾN VÔ TUYẾN
Mục đích của môn học là cung cấp cho sinh viên các hiểu biết về nền tảng của lĩnh vực mạng cảm biến vô tuyến cũng như các ứng dụng trong thực tế của công nghệ này. Nội dung môn học tập trung vào việc xây dựng các kiến trúc mạng cảm biến ổn định, tiên tiến để tích hợp các giải pháp đo lường thực tế với công nghệ IP. Môn học cũng nhấn mạnh việc sử dụng các chuẩn mở ở nhiều lớp trong kiến trúc mạng như: lớp OS (TinyOS, Contiki), IEEE 802.15.4 ở lớp MAC, 6LoWPAN, IPv6, các giao thức định tuyến, lớp truyền tải UDP/TCP, và lớp ứng dụng HTTP, REST/SOAP cũng như việc áp dụng các chuẩn mở này trong các ứng dụng và thiết bị nhúng. Hơn thế nữa, các bài lab và demo cũng cung cấp cho sinh viên những kỹ năng thực tế trong việc thiết kế các ứng dụng căn bản sử dụng mạng cảm biến vô tuyến trên các thiết bị phần cứng hiện đại.

MẬT MÃ HÓA VÀ AN NINH MẠNG
Môn học bao gồm lý thuyết về mã hóa (bao gồm mã đối xứng, bất đối xứng), tính nguyên vẹn của dữ liệu, phương pháp trao đổi khóa, xác thực. Ngoài ra, môn học đề cập đến ứng dụng lý thuyết mã hóa vào truyền dữ liệu qua mạng bao gồm TLS/SSL, 802.11, SSH, IPSEC.

PHƯƠNG PHÁP TỐI ƯU VÀ ỨNG DỤNG
Khóa học này tập trung vào lý thuyết cơ bản của phương pháp tối ưu, và các ứng dụng của chúng trong xử lý tín hiệu số và hệ thống thông tin. Các chủ đề bao gồm tối ưu không điều kiện ràng buộc và tối ưu có điều kiện, tối ưu tuyến tính, tối ưu toàn phương, tối ưu lồi, phương pháp Lagrange, thuật toán điểm nội, và lập trình bán xác định. Các thuật toán được giới thiệu trong khóa học bao gồm các phương pháp gradient, phương pháp Newton, phương pháp hướng liên hợp, và các phương pháp điểm nội. Các chủ đề ứng dụng kỹ thuật bao gồm xử lý tín hiệu (thiết kế bộ lọc, phân loại mẫu, tách mù hình ảnh) và trong viễn thông (ước lượng và tách tín hiệu, bộ cân bằng, beamforming, phân bổ công suất và phổ tần số trong thông tin).

THIẾT KẾ VI MẠCH SIÊU CAO TẦN
• Cung cấp kiến thức về các công nghệ thiết kế vi mạch siêu cao tần MMIC và RFIC.
• Cung cấp kiến thức phân tích, đánh giá và thiết kế máy thu phát cao tần cho các hệ thống thông tin vô tuyến.
• Cung cấp kiến thức phân tích, thiết kế, mô phỏng, layout, chế tạo và đo đạc các vi mạch siêu cao tần dùng công nghệ CMOS như mạch khuếch đại nhiễu thấp, mạch trộn tần, mạch dao động và mạch khuếch đại công suất.
• Cung cấp kỹ năng sử dụng các phần mềm mô phỏng như Cadence, ADS, SONET và các thiết bị siêu cao tần như vector network analyzer, máy phân tích phổ, máy phát sóng, máy đo hệ số nhiễu . . .

THÔNG TIN SỐ
• Nhằm cung cấp kiến thức chuyên sâu về thông tin số dựa vào quá trình ngẫu hiên của tín hiệu trong thông tin đơn và đa đường.
• Nội dung bao gồm những khái niệm về biểu diễn tín hiệu trong không gian tín hiệu cũng như hiểu sâu về những đặc điểm của tín hiệu để từ đó có thể xử lý và cải thiện chất lượng tín hiệu thông tin số trong những kênh truyền có nhiễu.
• Một project song hành với lý thuyết sẽ được yêu cầu thực thi và có thể cả những ứng dụng trên phần cứng nhằm giúp học viên có cơ hội phát triển lý thuyết và cả ứng dụng thực hành

THÔNG TIN SỢI QUANG
Môn học này giới thiệu nguyên tắc hoạt động và các yếu tố thực tế về mặt kỹ thuật, cấu trúc, thiết kế và phương pháp phân tích mạng thông tin sợi quang. Hệ thống truyền dẫn quang được trình bày và phân chia thành các khối cơ bản gồm những thiết bị phần cứng quang học tương ứng. Các đề mục bao gồm tính chất cơ bản của sóng ánh sáng khi lan truyền trong sợi quang, cấu tạo và ứng dụng của các loại sợi quang cơ bản và nâng cao, cấu tạo và phương pháp hoạt động của nguồn laser và LED, phương thức hoạt động của multi-longitude mode laser, single longitude mode laser, tunable laser và mode-locked laser, phương thức hoạt động của bộ thu tín hiệu giải điều chế trực tiếp và giải điều chế coherent, phương thức hoạt động của bộ fiber grating, ghép kênh quang, chuyển mạch quang, điều chế quang và khuếch đại quang, thiết kế và phân tích hệ thống thông tin quang đơn bước sóng và phương thức hoạt động của hệ thống ghép kênh phân chia theo bước sóng.

THÔNG TIN VÔ TUYẾN
Môn học cung cấp các kiến thức về thông tin vô tuyến: suy hao và shadowing, kênh truyền vô tuyến, điều chế và mã hóa thích nghi, kỹ thuật phân tập, kỹ thuật cân bằng kênh truyền, điều chế đa sóng mang, và hệ thống MIMO.

TRUYỀN SỐ LIỆU VÀ MẠNG
Môn học cung cấp kiến thức chuyên sâu về hệ thống mạng máy tính từ truyền dẫn cho đến ứng dụng và không tập trung lớp vật lý trong mô hình OSI. Trong phần truyền dẫn, môn học cung cấp kiến thức về truyền dẫn ở lớp 2 (ethernet, frame relay…), lớp 3 (các giao thức định tuyến), lớp 4 (các giao thức giao vận, phương pháp quản lý nghẽn, quản lý luồng), và các ứng dụng (DNS, web, FTP,…).

XỬ LÝ ẢNH SỐ VÀ KỸ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN
Môn học cung cấp các kiến thức về xử lý ảnh số và kỹ thuật đa phương tiện: hệ thống xử lý ảnh số, cơ sở về ảnh số, cơ sở toán học cho biến đổi ảnh, các phương pháp phân tích ảnh, các phương pháp xử lý ảnh, phương pháp hình thái học, kỹ thuật đa phương tiện.

XỬ LÝ SỐ TÍN HIỆU NÂNG CAO
• Cung cấp kiến thức xử lý số tín hiệu nâng cao cho nhiều môn học khác nhau trong toàn bộ chương trình đào tạo cao học.
• Nội dung bao gồm phần xử lý tín hiệu analog và digital; thiết kế các bộ lọc số FIR và IIR dựa vào phương pháp cửa sổ và phép biến đổi song tuyến tính bilinear transformation.
• Các phương pháp phân tích tín hiệu thời gian-tần số (time-frequency) và thời gian-tỉ lệ (time-scale) được nhấn mạnh cho việc xử lý các tín hiệu không dừng nonstationary.
• Phần thực hiện Project trong môn học sẽ được chú ý vào việc ứng dụng phần cứng họ DSP TMS320Cxxxx cho những bài toán xử lý tín hiệu hoặc lập trình hệ thống.

XỬ LÝ TÍN HIỆU NGẪU NHIÊN
Giới thiệu các đặc tính thống kê của quá trình ngẫu nhiên và các quá trình ngẫu nhiên cơ bản dùng trong ngành Điện tử - Viễn thông. Trình bày các phương pháp xử lý tín hiệu ngẫu nhiên như: Xử lý tối ưu tuyến tính (lọc Wiener, dự đóan tuyến tính, lọc Kalman), xử lý thích nghi tuyến tính (giải thuật least-mean-square, giải thuật recursive least-squares), lý thuyết ước lượng tham số và các phương pháp ước lượng phổ của tín hiệu ngẫu nhiên. Trình bày ứng dụng của các phương pháp xử lý tín hiệu ngẫu nhiên trong Viễn thông như: Dự đóan tuyến tính và dự đóan tuyến tính thích nghi, nhận dạng hệ thống, cân bằng kênh truyền và cân bằng kênh truyền thích nghi, anten thông minh và bài tóan triệt can nhiễu, ước lượng các tham số của tín hiệu, ước lượng tần số và góc đến của tín hiệu ngẫu nhiên.