Chương trình chính quy

Sinh viên được chọn lựa một số môn học để hoàn thành trong thời hạn tối đa là 13 học kỳ. Tổng số tín chỉ tích lũy cần thiết là 150 tín chỉ bao gồm các môn đại cương, chuyên ngành, và tự chọn.

ANTEN – TRUYỀN SÓNG
Môn học cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản để phân tích, thiết kế và đo lường các loại anten thông dụng trong viễn thông và kiến thức về các mô hình truyền sóng vô tuyến, mô hình truyền sóng trong ống dẫn sóng và cáp quang. Các kiến thức này cần thiết cho việc phân tích, thiết kế và vận hành các hệ thống truyền dẫn trong viễn thông.

NGUYÊN LÝ THÔNG TIN SỐ
Mục tiêu chung của môn học là cung cấp những kiến thức cơ sở về nguyên lý thông tin số cho sinh viên chuyên ngành Điện tử- Viễn thông, qua bốn mục tiêu nhỏ hơn. Trong đó, mục tiêu đầu tiên là giúp sinh viên nắm vững về phân tích quá trình ngẫu nhiên và đặc tính của tín hiệu trong hệ thống thông tin số. Mục tiêu thứ hai giúp sinh viên hiểu và có khả năng phân tích mã hóa nguồn và cách điều chế/giải điều chế tín hiệu. Mục tiêu thứ ba là trình bày nguyên lý hoạt động và các đặc tính của mã hóa kênh và mã hóa dữ liệu. Mục tiêu cuối cùng là trang bị cho sinh viên kiến thức về phân tích chỉ tiêu chất lượng của các khối chức năng cơ bản trong hệ thống thông tin số.

CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO TRONG XỬ LÝ TÍN HIỆU
Môn học này có ba mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là giúp sinh viên nắm vững lý thuyết và cách ứng dụng của các loại bộ lọc được sử dụng trong phương pháp xử lý tối ưu tuyến tính. Mục tiêu thứ hai là cung cấp cho sinh viên lý thuyết và cách ứng dụng các thuật toán dùng cho xử lý tối ưu tuyến tính. Mục tiêu cuối cùng là giúp sinh viên hiểu về lý thuyết ước lượng không gian và một số ứng dụng của lý thuyết này trong các hệ thống viễn thông.

HỆ THỐNG VIỄN THÔNG
Môn học không chỉ cung cấp những kiến thức nền tảng về tín hiệu và nhiễu trong hệ thống viễn thông mà còn cung cấp cho sinh viên các kỹ thuật xử lý tín hiệu phổ biến trong truyền tương tự và cơ bản trong truyền số. Với kiến thức vững chắc về hệ thống viễn thông sẽ giúp sinh viên có thể đánh giá và thực hiện các ứng dụng truyền thông tin trong lĩnh vực Điện-Điện tử hoặc các ngành liên quan.

KỸ THUẬT SIÊU CAO TẦN
Môn học nhằm trang bị cho học viên kiến thức cơ sở về kỹ thuật phân tích mạch điện ở tần số siêu cao dựa trên lý thuyết đường dây truyền sóng và ma trận sóng. Các kiến thức này cần thiết cho việc phân tích, thiết kế các mạch siêu cao tần trong các hệ thống viễn thông, và là cơ sở cho môn học tiếp theo “Mạch siêu cao tần”.

MẠCH ĐIỆN TỬ NÂNG CAO
Môn học này có ba mục tiêu chính. Trong đó, mục tiêu thứ nhất nhằm giúp sinh viên có khả năng phân tích và thiết kế các mạch điện tử nâng cao như: mạch khuếch đại hồi tiếp, mạch khuếch đại công suất, mạch khuếch đại cộng hưởng. Mục tiêu lớn thứ hai là cung cấp cho sinh viên phương pháp phân tích và thiết kế các mạch lọc tích cực. Mục tiêu cuối cùng là trang bị khả năng phân tích và thiết kế các mạch dao động tần số thấp cho sinh viên.

MẠCH ĐIỆN TỬ THÔNG TIN
Môn học này có hai mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là cung cấp các kiến thức cơ bản về các hệ thống thông tin, cũng như các đặc tính và nguyên lý hoạt động của các khối cơ bản trong hệ thống thông tin. Mục tiêu lớn thứ hai là giúp sinh viên nắm vững kiến thức và cách thiết kế các mạch điện tử tần số cao tuyến tính và phi tuyến và ứng dụng của chúng trong hệ thống thông tin.

MẠCH ĐIỆN TỬ
Môn học có ba mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản và cấu trúc của các thiết bị điện tử cơ bản là diode, BJT và FET, cũng như cách phân tích và thiết kế mạch tần số thấp của các thiết bị này. Mục tiêu thứ hai là giúp sinh viên biết cách phân tích đáp ứng tần số của các mạch khuếch đại dùng các linh kiện điện tử cơ bản và cách phân tích dùng đồ thị Bode. Mục tiêu cuối cùng là cung cấp cho sinh viên kiến thức về nguyên lý hồi tiếp và cách phân tích mạch khuếch đại thuật toán cơ bản

MẠCH SIÊU CAO TẦN
Môn học sử dụng các kiến thức cơ sở ở môn học trước “Kỹ thuật siêu cao tần”, nhằm trang bị cho học viên kiến thức cơ bản và nâng cao về các mạch siêu cao tần chuyên dụng như mạch khuếch đại, mạch dao động, mạch ghép và chia công suất và mạch lọc siêu cao tần. Các kiến thức này cần thiết cho việc phân tích, thiết kế các mạch siêu cao tần có trong các hệ thống viễn thông.

MẠNG MÁY TÍNH
Môn học cung cấp kiến thức chuyên sâu về hệ thống mạng máy tính từ truyền dẫn cho đến ứng dụng và không tập trung lớp vật lý trong mô hình OSI. Trong phần truyền dẫn, môn học cung cấp kiến thức về truyền dẫn ở lớp 2 (ethernet, frame relay…), lớp 3 (các giao thức định tuyến), lớp 4 (các giao thức giao vận, phương pháp quản lý nghẽn, quản lý luồng), và các ứng dụng (DNS, web, FTP,…)

MẠNG VIỄN THÔNG
• Cung cấp các kiến thức nền tảng về kiến trúc và hoạt động của các mạng viễn thông hiện đại.
• Cung cấp các công cụ toán học để phân tích một số bài toán cơ bản về lưu lượng trong các mạng viễn thông
• Các mô hình toán học về các kênh truyền trong mạng viễn thông không dây.
• Các kỹ thuật chuyển mạch, truyền dẫn, báo hiệu.

TỔNG QUAN VỀ KỸ THUẬT ĐIỆN
Cung cấp kiến thức về các nguyên lý cơ bản của ngành Điện tử - Viễn thông dành cho sinh viên không phải chuyên ngành Điện tử - Viễn thông. Môn học cung cấp sự hiểu biết sâu về các nguyên lý cơ bản của ngành Điện tử - Viễn thông như phân tích mạch điện, phân tích mạch tương tự và mạch số, các hệ thống Viễn thông và mạng Viễn thông. Để học môn học này sinh viên chỉ yêu cầu học trước các kiến thức về toán cao cấp và vật lý.

THÔNG TIN DI ĐỘNG
• Cung cấp kiến thức cơ bản về thông tin di động và mạng thông tin tế bào.
• Trình bày các kiến thức về truyền sóng và mô hình kênh truyền trong thông tin di động.
• Trình bày các kỹ thuật cơ bản và nâng cao trong thông tin di động (các kỹ thuật điều chế và tách sóng, kỹ thuật phân tập, MIMO, thuật cân bằng kênh truyền, kỹ thuật điều chế đa sóng mang).
• Kiến trúc của các hệ thống thông tin di động thực tế: GSM, GPRS/EDGE, và 3G (UMTS, IMS).

THÔNG TIN SỢI QUANG
Môn học này có ba mục tiêu chính. Mục tiêu đầu tiên là cung cấp cho sinh viên các kiến thức nền tảng về phương thức hoạt động và cấu trúc của ba thành phần quan trọng nhất trong một kênh truyền quang: nguồn quang, sợi quang, và bộ thu quang. Mục tiêu thứ hai là giúp sinh viên phân tích chất lượng một kênh truyền quang điểm-điểm. Mục tiêu cuối cùng là giúp sinh viên hiểu và nắm vững phương thức hoạt động của hệ thống SONET/SDH và WDM, đồng thời áp dụng kiến thức đã học vào việc đánh giá và thiết kế các hệ thống trên.

TRUYỀN SỐ LIỆU VÀ MẠNG
• Tìm hiểu về cấu trúc lớp vật lý của các hệ thống truyền số liệu hiện nay
• Cung cấp các kiến thức về kỹ thuật truyền dữ liệu
• Cung cấp các kiến thức về các giao thức truyền dữ liệu ở lớp liên kết dữ liệu
• Tìm hiểu về các hệ thống mạng PSTN, ISDN, LAN, WAN và các chuẩn truyền dữ liệu trong các hệ thống mạng này.

XỬ LÝ ẢNH VÀ XỬ LÝ TIẾNG
Về cơ bản, môn học này có hai mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về xử lý ảnh. Các kiến thức này được vận dụng vào các ứng dụng xử lý ảnh trong truyền thông, y khoa và điều khiển tự động. Mục tiêu thứ hai là trang bị cho sinh viên các kiến thức về xử lý tiếng nói, có thể vận dụng cho xử lý và nhận dạng tiếng nói trong hệ thống thông tin.

XỬ LÝ SỐ TÍN HIỆU
Môn học không chỉ cung cấp những kiến thức nền tảng về phân tích và biểu diễn tín hiệu số mà còn cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về phân tích và thiết kế các hệ thống rời rạc tuyến tính bất biến theo thời gian. Với kiến thức vững chắc về xử lý số tín hiệu sẽ giúp sinh viên có thể thực hiện xử lý số cho các ứng dụng trong lĩnh vực Điện-Điện tử hoặc các ngành liên quan.

XỬ LÝ SỐ TÍN HIỆU VỚI FPGA
Môn học này cung cấp cho sinh viên các kiến thức về các giải thuật DSP, công nghệ FPGA. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về số học, các định dạng về số, giải thuật, các cách thiết kế trên FPGA, cách tổng hợp. Từ các kiến thức trên, môn học cung cấp cho sinh viên kiến thức để thiết kế hệ DSP trên FPGA một cách thành công.